Ngày 23/10, bệnh viện Việt Đức tiến hành thay đĩa đệm cột sống thắt lưng cho những người bị đau lưng mạn tính không có khả năng phục hồi.
Tỷ lệ phẫu thuật thành công cao
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa phẫu thuật cột sống cho biết, có 3 bệnh nhân đau lưng mạn tính đang chờ để chuyên gia Pháp phẫu thuật. Cả 3 bệnh nhân này đều bị đau lưng mạn tính nhiều năm do tổn thương đĩa đệm, các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả.
Phẫu thuật đĩa đệm |
Vì vậy, phẫu thuật này là “cứu cánh” giúp bệnh nhân phục hồi lại chức năng vận động và tránh những di chứng về sau. Phương pháp này được thực hiện phổ biến tại Mỹ và các nước phát triển trên thế giới với tỷ lệ thành công đạt trên 95%.
Đau lưng là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt là đau lưng do tổn thương đĩa đệm. Bệnh xảy ra ở khoảng 30% dân số, hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20 - 55 tuổi, tuy nhiên có nhiều trường hợp 15 – 17 tuổi đã phải tới viện điều trị.
Ngoài nguyên nhân thoái hoá tự nhiên, tai nạn, thoát vị đĩa đệm còn xảy ra do sinh hoạt hàng ngày như tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng sai cách...
Có thể đi lại sau 2 ngày
PGS.TS Thạch cho biết, ưu điểm nổi trội của thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng là bảo tồn nguyên vẹn chức năng vận động của cột sống, do đĩa đệm nhân tạo được thiết kế gần giống như đĩa đệm thật của con người. Nhờ vậy, sau mổ bệnh nhân vẫn cử động vùng thắt lưng bình thường mà không bị cứng, hạn chế. Hơn thế nữa, do đĩa đệm nhân tạo có chức năng sinh lý như đĩa đệm thật nên nó sẽ lảm giảm nguy cơ tổn thương các đĩa đệm liền kề khi so sánh với phương pháp làm cứng cột sống kinh điển. Sau phẫu thuật 2 – 3 ngày bệnh nhân có thể ngồi dậy, tập đi lại bình thường.
Theo PGS.TS Thạch, khi thay đĩa bệnh nhân được mổ mở nhỏ đường trước bụng, lấy bỏ đĩa đệm tổn thương, một đĩa đệm nhân tạo được cấy ghép vào cùng lúc, nhằm giữ lại khả năng chuyển động bình thường của cột sống.
Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 1,5 tiếng. Đĩa đệm nhân tạo thay thế bắt chước một số chức năng của đĩa đệm bình thường và cũng đồng thời giúp ngăn ngừa sự thoái hóa của các đĩa đệm thắt lưng liền kề. Đặc biệt, nó cũng giúp mở rộng vùng không gian xung quanh các rễ thần kinh cột sống nơi chúng đi ra các lỗ thần kinh và bảo vệ cột sống trong các hoạt động chịu lực mạnh lên cột sống, chẳng hạn như nhảy, chạy và nâng tạ.
Vì vậy, phương pháp không chỉ giúp bệnh nhân giảm đau mà còn tăng cường mức hoạt động cho bệnh nhân, tái lập lại độ cao của khoảng gian đĩa đệm và khả năng cúi ưỡn của cột sống, duy trì được cử động và tính mềm dẻo của đoạn cột sống...
Đăng nhận xét